Đối với những người mới tìm hiểu về âm thanh và muốn đầu tư tai nghe mới thường có nhiều phương pháp khác nhau để lựa chọn. Và một trong những phương pháp phổ biết nhất đó là lên mạng đọc review ví dụ như Audio Tinh Tế chẳng hạn. Một vài năm gần đây làn sóng các sản phẩm âm thanh giá rẻ của Trung Quốc bắt đầu phủ sóng các diễn đàn âm thanh lớn với những thông số kỹ thuật có vẻ vượt trội hơn so với các sản phẩm cùng tầm giá, cùng với những lời review có cánh. Tuy nhiên thực tế phản hồi vẫn có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, như vậy ai đúng ai sai. Dưới đây là một góc nhìn của mình sau suốt hơn 8 năm chơi âm thanh và tai nghe.

Trào lưu chơi tai nghe, các sản phẩm âm thanh của Trung Quốc hay tên gọi thân thuộc hơn là Chi-Fi thực sự đã xuất hiện từ khá lâu tuy nhiên về độ phát triển thì dạo gần đây nổi lên khá nhiều. Một nhóm những người thần tượng đồ âm thanh Trung Quốc với thông số kỹ thuật khủng với mức giá rẻ có thể “đập chết” những sản phẩm tai nghe, sản phẩm mắc tiền hơn nhiều lần.
Điểm mạnh đầu tiên phải công nhận của các sản phẩm Chi-Fi phải công nhận đó là việc sử dụng tâm lý đám đông, việc thích đọc review và khả năng sử dụng những công nghệ “tương tự” như các sản phẩm mắc tiền hơn với mức giá học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, việc một sản phẩm hội đủ ngon, bổ, rẻ và đặc biệt là các sản phẩm âm thanh thì cực kỳ hiếm. Tiền ít khó hít dầu thơm lắm các bạn ạ mà có khi lại trúng độc nữa á.

Đang tải Chi-Fi Vsonic Vsonic_VSD1S.jpg…

Thực sự các tai nghe thương hiệu Trung Quốc đã xuất hiện từ rất lâu, từ những lúc mà mình bắt đầu chơi tai nghe. Cá nhân minh vẫn còn nhớ chiếc tai nghe mà mình đầu tiên cảm thấy hài lòng là một chiếc Vsonic VSD1S đã mua từ hơn 8 năm trước vào khoảng 2011. Mình vẫn nhớ một chút xíu về chất lượng âm thanh của sản phẩm này, tốt hơn nhiều so với chiếc Nuforce mà trước đó mình mua. Tuy nhiên sử dụng được một thời gian chưa đầy một năm thì bị vỡ housing và sau đó thì hư dây nên cố đấm ăn xôi mình nâng cấp lên Shure SE215 thì hoàn toàn thỏa mãn về chất âm cũng như độ trâu bò. Nói chung ấn tượng đầu tiên của mình về những tai nghe đến từ Trung Quốc thì có mẫu hay, dở hên xui chưa chắc những con được khen có cánh như Ostry hay Xiaomi Piston đã hay (theo mình thì khá tệ là đằng khác). Tuy nhiên một điều mình chắc chắn đó là build quality, độ ổn định vẫn không thể cạnh tranh với những mẫu đến từ những thương hiệu lớn. Cá nhân mình sau khi chơi cái thú này đến hơn 8 năm cũng chỉ xoay quanh một vài tên tuổi lớn như tai nghe thì STAX, Audio-Technica, Sony, Sennheiser còn DAC/Amp thì chủ yếu là Chord, Ayre, Schiit… Đơn giản là vì mình nghe thử và thấy mấy mẫu đó là hợp tai mình nhất và giá cả hợp lý với chất âm.

Đang tải Chi-Fi_Tin_audio_T2_p1.JPG…

Nói chung thì các thương hiệu âm thanh Trung Quốc mới nổi như MoonDrop, Tin Audio, RevoNext và KZ thú thực thì có rất nhiều mẫu tai nghe thuộc các thương hiệu này mình chưa từng nghe qua, cũng có mẫu cũng nghe qua tuy nhiên cũng không có gì quá nổi trội so với tầm giá. Hay những sản phẩm âm thanh của các hãng như Topping hay SMSL được nhiều người khen, thông số kỹ thuật giết chết những sản phẩm High-End tuy nhiên mình vẫn không mấy ấn tượng về mặt chất lượng âm thanh. Cá nhân mình cũng không có hiềm khích gì với những sản phẩm của các hãng Trung Quốc mới và nếu có cơ hội mình hoàn toàn sẵn sàng chia sẻ với mọi người, tuy nhiên quan trọng nhất là sản phẩm đó phải “ngon”.

Nói chung với những bạn mới chơi muốn tìm một tai nghe giá học sinh, sinh viên mà vẫn lăn tăn không biết nên chọn sản phẩm đến từ những thương hiệu mới, giá rẻ của Trung Quốc hay không. Thì sau đây mình sẽ nêu lên những ưu nhược điểm của các tai nghe giá rẻ mới của Trung Quốc như KZ, TFZ, BQEYZ, Tin Audio, Yinyoo, Revonext… nói chung những mẫu mà có giá rẻ chỉ từ 200k đến hơn 1tr. Để các bạn có thể thoải mái lựa chọn phù hợp nhất.

Những lợi điểm khi mua các tai nghe giá rẻ của Trung Quốc:

  • Giá, giá và giá. Rất nhiều lựa chọn ở phân khúc giá rẻ
  • Thiết kế bát mắt, đẹp hơn so với các đối thủ cùng tầm giá
  • Phụ kiện đi kèm khá tốt
  • Thông số kỹ thuật thường khá tốt, thậm chí là nhiều driver chỉ với giá vài trăm

Những nhược điểm khi mua các tai nghe giá rẻ của Trung Quốc

  • Chất lượng không ổn định, có thể vừa bóc ra đã hư
  • Bảo hành rắc rối nếu mua thông qua Aliexpress, Alibaba thì xác định mua về mà hư thì chịu thua vì chi phí gửi đi gửi về lắm lúc bằng tiền tai
  • Và quan trọng nhất chưa chắc đã hay như lời đồn

Đang tải Chi-Fi_Kz.jpg…

Nếu các bạn muốn hỏi tại sao các tai nghe hay thiết bị âm thanh của Trung Quốc thường có mức giá rất rẻ và thông số kỹ thuật tốt:

  • Không mất chi phí R&D hoặc rất ít, thường là copy mẫu mã của các thương hiệu lớn hơn
  • Chi phí PR rất ít chủ yếu là sử dụng seeder trên các forum tai nghe lớn
  • Thường không có hệ thống đại lý phân phối chính thức mà chủ yếu bán trực tiếp trên mạng
  • Chi phí kiểm soát chất lượng ít hoặc không có

Vấn đề lớn mà khi nói về các thương hiệu âm thanh Trung Quốc đó là việc ăn cắp bản quyền trí tuệ mà nói hoa mỹ đi một chút đó reversed engineering. Đây là một vấn đề mà trong giới âm thanh gần như ai cũng biết. Không phải ngẫu nhiên mà KZ có những chiếc tai nghe nhiều driver và thiết kế housing giống với các tai nghe của Campfire Audio, tuy nhiên chất lượng âm thanh vẫn không thể nào bằng so với Campfire. Và thực tế thì dù cho có cố nhét nhiều driver cách mấy thì tai nghe của KZ vẫn chỉ có chất âm được xem là ‘bình thường’ trong tầm giá. Anh em nếu chịu khó tìm hiểu cũng sẽ dễ dàng nhận ra không phải cứ có nhiều driver là hay được.

Đang tải Chi-Fi_TFZ_No.3.jpg…
Thêm một điều quan trọng mà mình không thể không nhắc đến đó là thông số kỹ thuật không thể nói lên toàn bộ chất lượng âm thanh ở bất kỳ tầm giá nào. Một sản phẩm nếu các bạn chỉ đọc thông số hoặc review trên mạng rồi quyết định mua thì có thể sẽ mắc sai lầm rất lớn đối với đồ âm thanh. Vì vậy mình khuyên các bạn nếu được thì đến trực tiếp những buổi offline hay các cửa hàng để trải nghiệm thử sản phẩm mà các bạn quan tâm. Nếu không có thì hẹn một buổi café với ai đó có tai nghe mà bạn quan tâm. Còn nếu không có thể anh em sẽ mất học phí kha khá cho mớ đồ không đâu vào đâu cả.

Nói về Chi-Fi tất nhiên không thể không nhắc đến Trung Quốc là cái nôi của những chiếc tai nghe fake, nhái theo những thương hiệu lớn như Shure, AKG, Audio-Technica. Vì thế anh em cũng nên cẩn thận với các sản phẩm tên tuổi có giá thơm trên Aliexpress, Taobao nhé.

Đang tải Chi-Fi_HiFiMan_p1.jpg…
Nói đi thì cũng phải nói lại, có những thương hiệu Trung Quốc cũng có không ít thương hiệu TQ mà mình đánh giá cao. Đầu tiên là HiFiMan và Audio-GD, và sau này có thêm hai hãng là FiiO và Cayin. Lý do:

  • HiFiMan của Dr.Fang Bian đầu tiên là một thương hiệu tai nghe được thành lập tại Mỹ với những sản phẩm tai nghe với chất âm cực kỳ ấn tượng như HE-5, HE-6 sau này có HE-1000, Survasa. Nói chung, Dr.Fang Bian và HiFiMan với những mẫu tai nghe Planar Magnetic của mình có thể được xem là đối trọng của Audeze tại thị trường Audiophile.
  • Audio-GD đây cũng là một thương hiệu âm thanh có từ lâu với đôi tay tài ba của KingWa. Nói chung về mặt kỹ thuật cũng như các sản phẩm của Audio-GD cũng khá đám gờm, có đội ngũ R&D chuyên nghiệp mạch và linh kiện cực kỳ ấn tượng. Tuy nhiên công bằng mà nói trải nghiệm người dùng không tốt lắm. Có thể xem Audio-GD gần giống như một Schiit Audio của Trung Quốc.

Đang tải Chi-Fi_FiiO.jpg…

FiiO và Cayin hai thương hiệu âm thanh cũng mới nổi tiếng vài năm gần đây,nhờ có một hướng đi cho riêng và đều thuộc dạng thành công trong giới âm thanh:

  • FiiO thì tự thân vận động từ những chiếc máy nghe nhạc sau đó mở rộng ra các mẫu tai nghe giá cả đồng đều với chất lượng và phải công nhận sự thành công của FiiO không riêng tại thị trường TQ mà còn lan sang các thị trường Nhật, Mỹ và Châu Âu.
  • Cayin thì cũng phát triển thành công với những sản phẩm cao cấp ở nhiều phân khúc khác nhau từ tầm trung cho đến High-End , và hiện Cayin cũng đang là người phụ trách gia công của PrimaLuna (một hãng âm thanh High-End của Mỹ, cũng khá nổi trong giới audiophile)

Công bằng mà nói các hãng trên cũng từng là những hãng nhỏ, hãng giá rẻ. Nhưng phát triển đúng đinh hướng cùng với các sản phẩm chất lượng được công nhận trên toàn cầu, nên đã tạo dựng được tên tuổi của mình. Tuy nhiên cùng thời gian đó không biết đã biết bao nhiêu thương hiệu Trung Quốc rơi vào lãng quên…

Nói tóm lại, mình cũng không hề có một ác cảm nào dành cho các thương hiệu Trung Quốc miễn sao sản phẩm có chất lượng tốt từ cả âm thanh cho đến độ bền, kiểm soát chất lượng ổn định. Một điều quan trọng khác là thông số kỹ thuật hay các tem tiêu chuẩn Hi-Res không thể làm một tai nghe hay hơn. Và nếu các bạn thích nhìn biểu đồ đoán âm, nhìn số lượng driver thì cứ thoải mái và cũng chẳng ai cấm cản, nhưng điều mình muốn nói với những bạn ấy rằng đừng nghĩ những người khác “ngu” hơn mình vì mua sản phẩm khác. Cá nhân mình chỉ có thể chia sẻ với mọi người là đánh giá tai nghe hay bất kỳ sản phẩm âm thanh nào cũng nên tin tưởng vào đôi tai của mình, thay vì tin đôi tai của người khác nên nếu được và có cơ hội thì hãy đi nghe thử.

Theo: Tinh tế