Tai nghe chống ồn hiện nay đã trở nên rất phổ biến cũng như có mức giá ngày càng vừa túi tiền hơn. Tuy nhiên chưa chắc nó đã phù hợp với tất cả mọi người. Những chiếc tai nghe chống ồn chủ động có thể gây khó chịu khi đeo đối với một số người, trong khi một số khác thì cảm thấy tiếng ồn bên ngoài vẫn có thể lọt vào bên trong tai nghe. Thế thì tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Đang tải tinhte_tren_tay_tai_nghe_sony_wh-1000mk3_2.jpg…

Như nói trên, trong khi nhiều người sử dụng chiếc tai nghe chống ồn rất thoải mái và có thể nghe cả ngày cũng được, một số khác lại cảm thấy khó chịu trong tai khi chỉ mới đeo vài phút, có cảm giác như màng nhĩ của họ đang bị “hút” ra ngoài. Hiện tượng này thường được gọi là “hút màng nhĩ” với cảm giác gần giống với khi bạn đi thang máy tốc độ cao. Nhiều người không chỉ cảm thấy khó chịu mà còn thấy đau trong tai, gây cảm giác “sợ” và không muốn sử dụng chiếc tai nghe chống ồn thêm một lần nào nữa.

Tuy nhiên nếu cơn đau nhói nhẹ trong màng nhĩ có thể hết nhanh chóng thì một số người còn bị các ảnh hưởng nặng hơn như đau đầu, chóng mặt hay buồn nôn. Cường độ chống ồn càng cao thì triệu chứng càng nặng. Lúc này chúng ta chỉ còn cách tắt đi tính năng chống ồn, nhưng như thế thì phí thêm tiền mua tai nghe chống ồn làm gì?

Hiện tượng “hút màng nhĩ” dường như chỉ là do tâm lý chứ thật sự khi đo đạc các thông số, mức áp suất khí của tai nghe chống ồn và tai nghe thường đều là như nhau (hoặc quá nhỏ không đáng kể). Điều này có nghĩa là khi chúng ta đã từng trải qua cảm giác khó chịu khi đeo tai nghe chống ồn, bộ não sẽ “nhớ” việc này và gây cảm giác khó chịu một cách vô thức, làm bạn tưởng tượng rằng màng nhĩ “đang bị hút ra” nhưng thực sự không có gì xảy ra cả.

Đang tải tinhte_sony_wf_1000xm3_jabra_65t_active_6.jpg…

Tai nghe chống ồn chủ động thường được giới hạn ở các dải tần số thấp dưới 1kHz nhằm để hạn chế feedback. Hiệu năng chống ồn cũng làm việc tốt nhất ở dải low và kém hơn ở dải mid và high. Điều đáng nói là ở chỗ là cảm giác “hút màng nhĩ” chỉ xảy ra khi bạn mở tính năng chống ồn, và hết ngay khi bạn tắt chống ồn, từ đó tạo thành cảm giác sợ đeo tai nghe chống ồn (hay mở tính năng chống ồn). Ngay cả khi bạn biết đây là hiện tượng tâm lý thì cũng không giúp ích được gì nhiều, vì bộ não đã “nhớ” như vậy rồi.

Đang tải tinhte_noise_cancel_headphones_hurt_ears_1.jpg…

Nhóm Wirecutter đã làm bài thử nghiệm xem thật sự tai nghe chống ồn có gây đau tai hay không, với 70 người tham gia. Trong số 38 người có kinh nghiệm sử dụng tai nghe chống ồn, 18 người (52%) cho biết họ từng cảm thấy khó chịu khi sử dụng tai nghe chống ồn. Những người này được thử bài test “mù” (blind-test), nghĩa là không biết mình sẽ đeo chiếc tai nghe gì, nhằm mang đến kết quả chính xác nhất. Một số bị loại do có cảm giác “hút màng nhĩ” ngay cả khi không đeo tai nghe chống ồn, cho thấy có thể tai họ đang bị đau từ các ảnh hưởng khác. Số còn lại cho kết quả khá khác biệt, có người đeo tai nghe bị khó chịu ngay còn số khác thì bắt đầu cảm thấy đau tai ở những mức chống ồn từ 5 trở lên (được điều chỉnh bằng app).

Tuy kết quả thử nghiệm không cho thấy được chính xác tính năng chống ồn có làm khó chịu tai hay không nhưng dù sao chúng ta cũng biết thêm một hướng mới có thể khắc phục cảm giác “hút màng nhĩ” khi đeo tai nghe chống ồn. Với những chiếc tai nghe cho phép điều chỉnh cường độ chống ồn, bạn có thể thử từng mức từ thấp đến cao xem mình có bị khó chịu trong tai hay không trước khi quyết định chi tiền cho chiếc tai nghe đó.

Đang tải 4788084_tinhte_sennheiser_momentum_3_wireless_11.jpg…

Sự khó chịu đôi khi không chỉ ở những cơn đau tai mà còn là việc bạn đã quá hy vọng vào chất lượng chống ồn, đòi hỏi nó phải ngăn cách tiếng ồn một cách tuyệt đối. Điều này dĩ nhiên là không thể và chắc chắn luôn có những âm thanh nào đó lọt vào bên trong tai nghe khi bạn nghe nhạc. Khi mua một chiếc tai nghe chống ồn, bạn có thể chú ý lựa chọn những mẫu sản phẩm có earpad dày và to, cho phép ôm kín vành tai nhằm hạn chế hơn nữa các tiếng ồn xung quanh, bổ trợ thêm cho tính năng chống ồn chủ động. Ngoài ra bạn cũng có thể chọn những chiếc tai nghe chống ồn thụ động có giá thành rẻ hơn, tuy không có hiệu năng tốt như tai nghe chống ồn chủ động nhưng cũng không đến nỗi kém. Chúng ít ra vẫn có thể cách ly các tiếng đối thoại ở gần bạn hay tiếng trẻ nhỏ chạy giỡn xung quanh.

Thêm một giải pháp nữa là sử dụng tai nghe in-ear có thể nhét sâu vào trong ống tai. Eartip bằng chất liệu foam cũng giúp tăng cường chống ồn thêm phần nào. Điều quan trọng nhất là bạn cần xác định xem nhu cầu sử dụng của mình như thế nào để mua tai nghe chống ồn chủ động hay thụ động, hoặc thậm chí không chống ồn nếu cảm thấy không cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn cân đối được giữa thiết kế, hiệu năng và giá tiền của chiếc tai nghe mà mình sắp mua.

Theo: Tinh tế